Chính sách nào hỗ trợ nhà đầu tư?!
Chính sách nào hỗ trợ nhà đầu tư?!
Dù thắt chặt cho vay bất động sản, nhưng điều đó không có nghĩa là không có đường ra cho các dự án bất động sản. Vì ngoài việc nhận được nguồn vốn đầy tư từ phía nước ngoài, các chuyên gia nhận định Ngân hàng nhà nước (NHNN) dù cơ cấu lại nguồn vốn vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ các dự án bất động sản bằng nhiều phương thức và chính sách, miễn sao đáp ứng đúng quy định và đúng nhu cầu thực của người dân.
1. Chuyển nhượng dự án bất động sản để xử lý nợ xấu
Theo nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội, các ngân hàng, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được phép chuyển nhượng tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là dự án bất động sản. Với đầy đủ 04 điều kiện sau: Dự án đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; Dự án không có tranh chấp về quyền sử dụng đất; Không có quyết định thu hồi dự án, thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền.
Đây sẽ là cơ hội cho việc tái khởi động lại các dự án bất động sản là tài sản đảm bảo cho nợ xấu hiện đang “ngủ đông”.
2. Chính sách đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà giá thấp
Theo trích dẫn từ trang tin LuatVietNam, trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2018 ban hành kèm theo Nghị quyết 01/NQ-CP, chính phủ chủ trương đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá thấp, tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình phát triển nhà ở quốc gia, nhất là các chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo.
Bộ Xây dựng có trách nhiệm nghiên cứu, xây dựng, đề xuất cơ chế chính sách, mô hình hợp lý để huy động nguồn lực thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp; khuyến khích phát triển nhà ở cho thuê và nhà ở thương mại giá thấp tại một số thành phố lớn…
Đây là tín hiệu đáng mừng, tạo thêm động lực phát triển cho thị trường bất động sản. Ngoài việc người dân có thêm nhiều cơ hội để được sở hữu nhà thì nhà đầu tư cũng có cơ hội tái cơ cấu lại dự án và chuyển đổi sao cho phù hợp với nhu cầu thực tế thay vì chạy theo xu hướng.
3. Chứng khoán hoá bất động sản – giải pháp mới tiếp cận vốn
Một trong những khuyến nghị khả thi từ Horea – Hiệp hội bất động sản Tp.HCM dành cho các lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản trong những hoạt động đầu tư, kinh doanh năm 2018. Đó chính là: nếu có đủ điều kiện, doanh nghiệp nên xem xét việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu dự án, phát hành cổ phiếu, hoặc niêm yết chứng khoán trong nước và nước ngoài. Tích cực đẩy mạnh mọi phương thức giúp doanh nghiệp nâng cao tiềm lực tài chính, nguồn lực, nội lực và vận dụng hiệu quả năng lực quản trị doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp trở nên hùng mạnh, làm cơ sở cho việc đề xuất Chính phủ thực hiện chứng khoán hoá bất động sản.
Ngoài việc giúp thị trường bất động sản trở nên minh bạch, lành mạnh và bền vững, chứng khoán doanh nghiệp phát triển tốt sẽ giúp tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ, trung dài hạn phù hợp dòng tiền và hoạt động kinh doanh doanh nghiệp và khả năng tài chính của người dân.